Im lặng là để đủ thời gian quán sát tâm, im lặng để điều phục phóng dật, là tránh phạm sai lầm trong khi nói, người thực hành giỏi mới có khả năng giữ im lặng, bởi im lặng đúng thì đồng nghĩa với tĩnh lặng nội tâm, bằng không nó chỉ là một hình thức khác của “sự nói”, nói bên trong hay còn gọi là thì thầm.
Trong kinh Phật dạy khi gặp nhau chỉ có 2 việc để làm, đó là nói Pháp hoặc im lặng thiền quán, tuy nhiên việc này không phải dễ thực hành.
Để có thể im lặng trong nhiều tình huống ta phải thật sự kiên nhẫn, biết và thấy các tâm hành đang hoạt động, có như vậy ta mới là người quan sát, và có như thế ta mới có thể giữ yên lặng trong bình yên nội tại.
Lần đầu tiên thực hành bạn sẽ thấy thật ngột ngạt khi không được nói chuyện, có vẻ như ta cần phải nói nếu không thì mọi việc sẽ tồi tệ hơn, nào là mọi người sẽ hiểu lầm rằng mình kênh kiệu hay mọi người sẽ không hiểu được mình. Ta có quá nhiều việc cần phải nói kia mà! Ta cần phải nói để mọi người “hiểu”! Phải đóng ngoặc chữ “hiểu” bởi nó chỉ là cái Tưởng của ta mà thôi, chứ thật ra mọi người đã hiểu chứ không cần có mình nói họ mới hiểu, hoặc họ rồi cũng sẽ hiểu.
Chắc chắn sau một thời gian thực tập, bạn sẽ thấy rõ sự thật không phải như vậy, không như cái Tưởng dẫn dắt ta suy diễn sự việc, sự lắng yên của tâm sẽ có nhiều thú vị mà bất cứ người nào có trải nghiệm qua đều sẽ cảm nhận được.
Không nói giúp cho mình bình an, vững vàng và vui hơn, cái vui thật nhẹ và sâu lắng, một sự bình an của nội tâm. Lúc đó ta sẽ nhận ra “ồ, thật ra trước đây ta đã nói quá nhiều”, và chính sự nói nhiều này nó là đầu mối dắt đến phiền não mà ta không biết.
Ta đừng lẫn lộn sự không nói chỉ vì ai đó muốn tạo một “phong cách”, đó chỉ là sự im lặng đáng sợ, nó giả tạo, nó làm cho ta xa cách bạn bè và người thân, đơn giản vì nó chứa tâm bất thiện, nó chứa sự ngã mạn và đố kỵ. Còn không nói vì ta không thích nói, vì muốn thu thúc lục căn, vì muốn hành lời Phật dạy, thì đây là pháp hành đúng đắn và chỉ như vậy thì bình an thật sự mới có trong ta.
Tại sao ta không thử thực hành ?
Pháp Đăng