Đức Thế Tôn là một sự hoàn hảo của trí tuệ, sự hoàn hảo của thành tựu, của sự chứng đắc, là mục tiêu cao cả và cuối cùng mà bất cứ một người Phật tử hay một tu sĩ nào cũng muốn đạt đến. Thế rồi chúng ta những người con Phật đi tìm cầu, mong muốn và thực hành con đường của ngài chỉ dạy. Nhưng thật lạ thay càng tìm kiếm, càng mong mỏi thì chúng ta lại xa dần Phật. Thế mới thấy Pháp Phật thật là kỳ vĩ, thật vĩ đại. Tuyệt đỉnh ở chỗ cái thật đơn giản lại là cái toàn giác.
Chúng ta bỏ tất cả công sức ra để đi tìm chân lý, đi tìm đạo mà không thấy rằng Pháp đang hiện hữu ngay trong ta, một sự thật hiển lộ không hề có gì che đậy mà ta không thấy, thật lạ lùng, thật buồn cười cho chúng ta!
Óc phán đoán, phân biệt đúng sai nó là con dao hai lưỡi, đa phần chúng ta bị nó cắt chảy máu, ít người sử dụng được mặt tích cực của nó. Dùng sự hiểu biết của chính mình để phán đoán là tự đưa mình vào con đường các cõi khổ. Dùng tri kiến của người khác cho dù đó là ai thì cũng như vậy thôi, thậm chí còn tệ hơn nữa. Chỉ khi mình học hiểu đúng Pháp Bảo của đức Thế Tôn, vị thầy của chúng ta, thầy của người và trời, hành trì tư duy thì dần dần Pháp hiển lộ trước mắt ta, lúc này ta mới thấy, mặc dù Pháp vẫn đang ở đó, vẫn đang còn ở đây, và mãi mãi tương lai cũng như vậy.
Mỗi một ngày với tâm trạng vui, buồn, hay lo lắng, đó là Pháp, Pháp là vậy, là cái không vững bền, là cái luôn thay đổi. Người thấy Pháp là thấy sự vận hành của tâm. Người không thấy Pháp là người sống chìm mình trong từng giai đoạn trạng thái của tâm. Nếu là trạng thái Buồn thì họ cảm thấy mình buồn, đau khổ vì nỗi buồn, đối phó với cái buồn bằng cách này hay cách khác. Với trạng thái Vui, họ ngập tràn niềm hạnh phúc tưởng chừng như mình đang ở tận mây xanh. Với trạng thái Lo Lắng, họ khổ sở vì sự lo sợ, mất ăn mất ngủ. Riêng người thấy Pháp là người đang xem nhân quả diễn biến, đang thẩm định tính vững bền của sự Không Bền Vững.
Như một hành khách ngồi trên xe, khi xe đang chạy các hàng cây ven đường cứ lần lượt lướt qua. Người hành khách rất muốn nhìn thật kỹ vào các cây này, nhưng không thể được. Xe càng chạy thì lại càng nhiều cây lướt qua, người khách thấy thật nhiều cây nhưng không thể nào thấy rõ chi tiết của cây được. Chỉ khi xe ngừng hẳn, người hành khách phải có mong muốn tò mò nhìn thật kỹ vào một cây thì lúc này người hành khách sẽ thấy các chi tiết, rồi nhiều điều thật lạ lùng về đời sống của cái cây này sẽ hiện ra. Ôi tuyệt vời làm sao một tác phẩm của thiên nhiên! Dễ thương làm sao những chiếc lá non nhú ra như những đứa con bé bỏng, thân cây to lớn sần sùi như một người cha mạnh mẽ che chở giông bão cho các con vv…và vv… Càng nhìn sẽ càng thấy. Nếu xe không ngừng thì người khách làm sao thấy được? Và nếu xe cứ chạy mãi thì người hành khách chỉ có thể thấy hàng trăm ngàn cây mà không hề biết được thực chất của một cây.
Cũng như vậy người muốn thấy Pháp phải thôi tìm kiếm bên ngoài mà phải cố gắng nhìn vào bên trong, nhìn ngay trên cái thân này, chiêm nghiệm trên chính cái tâm này, tư duy trên những tư duy, suy nghĩ trên những suy nghĩ, dần dà sẽ nhận ra, và rồi một ngày không xa họ sẽ được thốt lên “À thế à! ” “oh! chẳng có ai cả!”, và như Thế Tôn đã nói “ai thấy Pháp là thấy ta”, vâng, đúng vậy ai thấy Pháp là thấy Phật.
Pháp Đăng